Ô tô đề không nổ: 9 nguyên nhân và cách khắc phục
Ô tô đề không nổ: 9 nguyên nhân và cách khắc phục
Ô tô đề không nổ: 9 nguyên nhân và cách khắc phục
Ô tô đề không nổ có thể do ắc quy xe bị hết điện, hệ thống đề bị lỗi, tắc kim phun nhiên liệu và rất nhiều nguyên nhân khác. Nếu không kịp thời khắc phục, tình trạng này có thể gây nên những hư hỏng ảnh hưởng đến sự vận hành ổn định của xe. Tìm hiểu cụ thể các nguyên nhân và cách xử lý để giảm thiểu những hư hại cho phương tiện của bạn.
Ô tô đề không nổ là hiện tượng khá phổ biến và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy vào từng lý do, chủ phương tiện sẽ lựa chọn cách khắc phục phù hợp để đảm bảo sự vận hành trơn tru cũng như duy trì sự bền bỉ cho xe. Theo dõi bảng tổng hợp và các chia sẻ chi tiết bên dưới để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Ắc quy xe hết điện hoặc yếu bình
Ắc quy ô tô bị hết điện hay yếu bình do nhiều nguyên nhân, tùy từng nguyên nhân sẽ có cách khắc phục khác nhau. Cụ thể:
-
Quên tắt các thiết bị tiêu hao điện: Người sử dụng xe có thể quên tắt đèn xe, loa, màn hình,… Để giảm thiểu tình trạng này, người lái cần chú ý kiểm tra và tắt hết các thiết bị điện trước khi xuống xe.
-
Ắc quy đã sử dụng nhiều năm: Bình ắc quy đã sử dụng lâu ngày sẽ không còn hoạt động trơn tru, ổn định. Khả năng nạp điện bị ảnh hưởng khiến ắc quy luôn trong tình trạng hết hoặc yếu điện. Khi đó, người lái cần kích điện cho bình ắc quy thông qua một bộ kích điện chuyên dùng hoặc nhờ đến sự trợ giúp của xe ô tô khác.
-
Các đầu ắc quy bị oxy hóa, điểm tiếp xúc kém: Theo thời gian sử dụng, các đầu cực của bình ắc quy sẽ bị ăn mòn, ảnh hưởng đến quá trình nạp điện. Từ đó, khả năng cung cấp điện cho ô tô kém hiệu quả và gây khó khăn cho việc đề nổ. Để khắc phục triệt để, chủ xe cần phải thay một bình ắc quy mới.
2. Hệ thống đề bị lỗi
Trong quá trình khởi động, nếu thấy máy không nổ kèm theo các âm thanh "tạch tạch", có thể là củ đề đã bị lỗi. Có nhiều nguyên nhân khiến củ đề gặp trục trặc như: chổi than của củ đề bị mòn, các mối nối bị gỉ sét hay vành đề và rơle bị hỏng. Củ đề bị lỗi kết hợp với động cơ đã nguội sẽ khiến việc khởi động xe càng khó khăn hơn.
Để khắc phục tình trạng này, chủ xe cần mang xe đến hệ thống gara hoặc cửa hàng sửa chữa để kiểm tra. Trong trường hợp củ đề bị hư hỏng nặng, cần thay thế một củ đề mới.
3. Rơle hoặc bơm nhiên liệu hỏng
Xe ô tô đề không nổ cũng có thể bắt nguồn từ việc rơle và bơm nhiên liệu gặp lỗi. Khi tình trạng này xảy ra, động cơ xe sẽ không được nạp hoặc bơm đủ nhiên liệu, gây ảnh hưởng đến quá trình đốt cháy trong động cơ. Từ đó, việc khởi động máy sẽ khó khăn hơn.
Để kiểm tra xem động cơ có được bơm đủ nhiên liệu hay không, chủ xe có thể lắp đặt đồng hồ áp suất nhiên liệu trên xe. Đồng thời, nên đưa xe đến gara sửa chữa để được kiểm tra và khắc phục.
4. Bugi/bobin đánh lửa gặp vấn đề
Thông thường, để quá trình đốt nhiên liệu trong xilanh động cơ diễn ra ổn định cần phải có ba yếu tố: nhiên liệu, khí và nhiệt. Nhưng nếu bugi hay bobin đánh lửa bị lỗi, sẽ không có tia lửa điện hoặc tia lửa điện không đủ mạnh để đốt cháy hỗn hợp hòa khí. Đây là nguyên nhân khiến cho ô tô đề không nổ hoặc cần khởi động trong một khoảng thời gian dài xe mới nổ.
Nếu tình trạng trên thường xuyên diễn ra, chủ xe cần kiểm tra bugi tại điểm đánh lửa. Việc kiểm tra bugi có thể tự thực hiện bằng cách tháo bugi ra và quan sát tia lửa điện. Đặt bugi gần một miếng kim loại rồi tiến hành quay động cơ. Nếu bugi phát ra tia lửa điện thì vẫn còn sử dụng được. Ngược lại, nếu bugi không phát ra tia lửa điện, cần phải thay thế bugi mới.
5. Tắc kim phun nhiên liệu
Hệ thống kim phun nhiên liệu sau một thời gian hoạt động sẽ có tình trạng bám bụi bẩn. Nếu không vệ sinh thường xuyên, kim phun sẽ bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng tới quá trình cung cấp nhiên liệu cho động cơ. Đó cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ô tô đề không nổ.
Để loại bỏ nguyên nhân này, người sử dụng xe cần thực hiện vệ sinh kim phun nhiên liệu thường xuyên. Việc vệ sinh nên thực hiện tại các cơ sở chuyên nghiệp để tránh gây hư hỏng.
6. Cài cần số chưa đúng vị trí/quên đạp phanh (côn)
Xe ô tô không nổ máy khi đề cũng có thể bắt nguồn từ việc người lái thực hiện không đúng các bước khởi động xe. Nhiều trường hợp người lái quên trả số về vị trí P (Parking), quên đạp chân phanh hoặc chân côn. Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở những người mới lái xe hay mới làm quen với ô tô. Để khắc phục, người lái cần chú ý nắm rõ và thực hiện đúng các bước khởi động xe ô tô.
7. Hệ thống chống trộm hoặc chìa khoá xe bị lỗi
Hệ thống chống trộm trên xe ô tô bị lỗi khá hiếm gặp. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho ô tô đề không nổ mà người sử dụng xe cần chú ý. Nếu hệ thống chống trộm bị lỗi, chủ xe cần đưa xe đến các gara để được kiểm tra và sửa chữa.
Bên cạnh đó, với những xe ô tô sử dụng chìa khóa thông minh hay khởi động bằng nút bấm, khi chìa khóa hết pin, xe cũng không khởi động được. Để hạn chế tình trạng này, chủ xe cần sử dụng chìa khóa dự phòng hoặc thay thế pin cho chìa khóa.
8. Xe bị cạn kiệt nhiên liệu
Xe hết hoặc gần hết nhiên liệu là nguyên nhân cơ bản nhất khiến ô tô không nổ máy. Với nguyên nhân này, người lái chỉ cần đổ thêm nhiên liệu cho xe. Bên cạnh đó, cần thường xuyên chú ý đến vạch báo nhiên liệu và kịp thời đổ xăng/dầu. Việc để xe cạn kiệt nhiên liệu quá thường xuyên cũng gây ảnh hưởng đến độ bền của xe.
9. Ô tô đề không nổ vào mùa lạnh
Điều kiện thời tiết, đặc biệt là khi trời lạnh, là nguyên nhân khiến ô tô đề không nổ. Thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến nhiên liệu ít bốc hơi hơn, dầu dễ bị đông đặc trên bề mặt. Tình trạng này ảnh hưởng đến quá trình truyền dẫn và đốt nhiên liệu. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng có thể cản trở hoạt động hiệu quả của bugi hay ắc quy.
Để giảm thiểu điều này, người lái có thể tiến hành đề nhiều và lâu hơn so với bình thường. Như vậy, nhiên liệu sẽ có thời gian để nóng lên giúp cho việc đốt cháy hiệu quả hơn. Ngoài ra, khi thời tiết lạnh kéo dài, nếu có thể nên hạn chế đậu xe ngoài trời quá lâu.
Chia sẻ kinh nghiệm hạn chế vấn đề ô tô đề không nổ
Xe ô tô đề không nổ là hiện tượng không quá hiếm gặp. Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, nhưng nếu chú ý một chút trong quá trình vận hành và bảo dưỡng xe, bạn sẽ hạn chế được rất nhiều lỗi này trên ô tô. Tham khảo một vài kinh nghiệm từ những lái xe lâu năm để ô tô luôn hoạt động ổn định:
-
Tắt toàn bộ các thiết bị điện trước khi tắt động cơ và trước khi xuống xe.
-
Thay mới bình ắc quy định kỳ sau khoảng 100.000km xe vận hành hoặc sau 4 năm sử dụng.
-
Kiểm tra và vệ sinh kim phun nhiên liệu định kỳ sau mỗi 20.000km/lần.
-
Kiểm tra rơle, bơm nhiên liệu… định kỳ sau mỗi 20.000km.
-
Vệ sinh, bảo dưỡng xe định kỳ để sớm phát hiện những lỗi, hỏng hóc.